Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

Vắcxin Mỹ chế tạo giúp tăng cường miễn dịch, thử nghiệm diện rộng cuối tháng 7

15/07/2020 09:41 GMT+7

TTO - Một loại vắcxin do Công ty Moderna của Mỹ bào chế đã bước đầu chứng minh khả năng tạo ra các phản ứng giúp miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân. Kết quả đáng mừng này được công bố trên báo trên Tạp Chí Y Khoa New England.

Công ty dược sắp thử nghiệm vắcxin phòng bệnh COVID-19 với 30.000 người - Ảnh: REUTERS

Ngày 14-7, các nhà nghiên cứu tham gia dự án này công bố kết quả từ đợt thử nghiệm mới nhất với 45 tình nguyện viên được tiêm vắcxin từ tháng 3-2020. Theo đó, vắcxin giúp tăng cường hệ miễn dịch đúng như kỳ vọng.

45 tình nguyện viên được tiêm vắcxin có số kháng thể trong máu nhiều bằng số kháng thể trong cơ thể những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh.

Theo Hãng tin AFP, cuối tháng 7-2020, vắcxin này sẽ được thử nghiệm diện rộng trên 30.000 người để xác định tính an toàn và hiệu quả trong việc chống lại virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, hoan nghênh bước tiến quan trọng này. Chính phủ Mỹ hi vọng sẽ có vắcxin ngừa COVID-19 khoảng cuối năm nay.

Theo bác sĩ Fauci, đợt thử nghiệm trên diện rộng tới đây sẽ gồm các tình nguyện viên là người lớn tuổi, người bị bệnh mãn tính, người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Latin.

Với 30.000 người tham gia, đợt thử nghiệm này sẽ là cuộc nghiên cứu vắcxin COVID-19 lớn nhất thế giới tính đến lúc này.

Trong nghiên cứu với 45 tình nguyện viên vừa qua, liều thử nghiệm là hai liều, mỗi mũi cách nhau một tháng.

Không có phản ứng phụ nào nghiêm trọng xảy ra với các tình nguyện viên. Hơn một nửa trong số họ cho biết sau khi tiêm, cơ thể có những phản ứng giống như khi tiêm các loại vắcxin khác như mệt mỏi, nhức đầu, ớn lạnh, sốt và đau nhức.

Ở ba bệnh nhân được thử nghiệm liều mạnh nhất, những phản ứng này nặng hơn, do đó các nhà khoa học không nghiên cứu liều này.

Theo nhóm nghiên cứu, vài phản ứng sau tiêm giống như triệu chứng nhiễm COVID-19 nhưng kéo dài khoảng một ngày.

Bác sĩ William Schaffner thuộc Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt, chuyên gia về vắcxin nhưng không tham gia cuộc nghiên cứu, nhận xét đây là một kết quả "bước đầu tốt đẹp". Ông tin rằng đợt thử nghiệm cuối cùng có thể cho kết quả vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, cần lưu ý 45 tình nguyện viên thử vắcxin vừa qua là người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Một đợt thử nghiệm với người già cũng đã được tiến hành nhưng chưa có kết quả cuối cùng.

HỒNG VÂN


Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Chuyện một người bị nhiễm COVID-19: ‘Tôi qua được là nhờ chồng và con…”

VŨ ĐÌNH TRỌNG/Người Việt


Bà Nguyễn Mai Phương, chụp Tháng Tư năm 2020, trước khi bị dương tính với COVID-19. Hình: Nhân vật cung cấp

SALT LAKE COUNTY, Utah (NV) – Tính đến cuối Tháng Sáu, năm 2020, Salt Lake County là quận hạt có nhiều người nhiễm COVID-19 nhất Utah: 11,166 ca trong số 22,217 ca của tiểu bang. Trong có, ít nhất có một người Việt.

Xin mời độc giả theo dõi câu chuyện bà Phuong Nguyen, bị dương tính với COVID-19, rồi cùng gia đình chiến thắng con virus này như thế nào qua lời kể của người trong cuộc.

“Tôi qua được là nhờ chồng con…”

(Lời kể của bà Phuong Nguyen)

Khoảng giữa Tháng Hai, trong chuyến bay từ Pheonix (Arizona) về Salt Lake City (Utah), tôi tình cờ ngồi cạnh một phụ nữ bị cảm cúm, bà ấy cứ ho suốt chuyến bay. Về nhà đúng 24 tiếng sau, tôi… giống bà ấy, thậm chí còn hơn. Cổ họng tôi đau (rát) kinh khủng, kèm theo những cơn ho dữ dội, người mệt mỏi nhưng lại không bị sốt.

Chồng tôi là bác sĩ quân y QL.VNCH. Anh ở tù về, chúng tôi vượt biên và đến Mỹ nhờ cha mẹ tôi bảo lãnh. Ông bà cũng là thuyền nhân, đến Mỹ trước đó 2 năm. Chồng tôi làm Medical Computing, cũng xem như tôi có một bác sĩ riêng 24/24, phục vụ tận tình, chu đáo, lại không đòi… tiền khám bệnh. Tôi ho, anh mua thuốc ho cho tôi uống, nói đau cổ họng, anh xin bác sĩ thuốc trụ sinh cho tôi uống, nói chung chẳng ai chu đáo bằng.

Thế mà tôi cứ ho dai dẳng cho đến cuối tháng Năm. Chợt nhớ đầu tháng Sáu có hẹn với bác sĩ gia đình nên tôi gọi lại phòng mạch, nhân đó kể luôn chuyện mình bị ho dai dẳng. Bác sĩ yêu cầu đi test COVID-19 trước khi gặp.

Tôi test COVID-19 ngày Thứ Tư, 27 Tháng Năm. Mấy hôm trước không sao, đúng ngày đi test về thì đêm hôm đó tôi bị đau bụng, thêm chóng mặt và buồn nôn. Cơ thể tôi như không còn chút sức lực nào, càng lúc càng mệt, thở không nổi. Chồng tôi bắt mạch, thấy mạch yếu quá nên chở tôi vào bệnh viện gần nhà.

Tôi được bác sĩ truyền dịch, cho thêm thuốc giảm đau để tôi được dễ chịu. Họ bắt đầu thực hiện một số xét nghiệm như đo tim mạch, chụp X-ray phổi, thử máu, đo lượng oxy trong mu, v.v… Hơn 3 tiếng sau, họ gọi chồng tôi đến đón tôi về với dòng chữ ghi trong hồ sơ bệnh án: “Tình nghi COVID-19!”

Nhờ được truyền dịch, nên tôi thấy dễ chịu hơn. Chồng tôi cũng đã chuẩn bị cho tôi khá nhiều vitamin như B, C, D3, Zinc,… để tăng sức đề kháng cơ thể tôi lên.


Kết quả xét nghiệm COVID-19 của bà Phuong Nguyen. Hình: nhân vật cung cấp

Đến Chủ Nhật, phòng xét nghiệm gởi email cho tôi thông báo kết quả. Con trai tôi xem rồi la lên: “Mẹ ơi! Mẹ bị COVID-19 rồi!” Nhìn kết quả mà tôi vẫn chưa tin là mình bị dương tính. “Biết đâu họ test sai!” Tôi nghĩ thế.

Tôi đề nghị chồng tôi là bây giờ chúng tôi sẽ cách ly, mỗi người một phòng. Chồng tôi không chịu. Anh ấy nói nếu tôi bị dương tính thì anh ấy chắc cũng bị rồi, không sao hết. Anh nói: “Vả lại, em ẩu tả lắm. Em bên cạnh anh thì anh còn canh em được chứ em ở phòng riêng, chẳng chịu nói gì hết, cứ chịu đựng thôi thì anh biết làm sao. Thôi em cứ nằm bên cạnh anh để anh trông chừng.” Tôi nói sẽ nghe lời anh, nhưng phải ở riêng phòng, lúc đó anh mới chịu.

Ngày hôm sau tôi thấy hơi thở của mình khó khăn hơn, có chút gì đó vướng víu, không bình thường. Cả ngày tôi rất mệt mỏi, rồi bắt đầu ho. Ho từng tràng như súng liên thanh, ho như muốn xé ruột, xé gan.

Qua Thứ Ba, tôi mệt lắm, dù vẫn không sốt. Tôi chỉ ngồi dậy ăn chút gì đó chồng tôi nấu, rồi lại nằm. Đến giờ uống thuốc, anh đánh thức tôi dậy uống, rồi lại nằm. Ngày hôm đó tôi ho nhiều lắm. Ho từng tràng, càng ho càng chóng mặt, mắt hoa cả lên.

Con trai út sợ mình lây bệnh cho mẹ, nên cũng muốn test xem mình có bị hay không. Tuy nhiên người ta không cho test vì cháu không có triệu chứng gì. Lần đi thứ tư, cháu phải nói dối có bị ho nên mới được test. Kết quả âm tính nên cháu cũng nhẹ lòng hơn, vì biết không phải mình làm cho mẹ bệnh.

Qua Thứ Tư, hơi thở tôi ngắn đi thấy rõ, cứ hít vào chút xíu là phải thở ra, không thể hít vào sâu được. Lồng ngực tôi càng lúc càng nặng, tới chiều thì tôi thấy không ổn, nên hai cha con chở tôi vào bệnh viện. Ba người chúng tôi đang ở trên xe thì Đan, con trai lớn của tôi (đang học bác sĩ, nội trú năm thứ hai về thần kinh) gọi phone muốn tôi chờ cháu về khám kỹ cho tôi lần nữa trước khi tôi vào bệnh viện. Cháu sợ coronavirus xâm nhập vào trung khu thần kinh như bệnh nhân cháu đang theo dõi. Điều này rất nguy hiểm. Hình như điều lo sợ của cháu là đúng, chỉ một lúc sau, khi cháu chưa kịp đến thì hai chân tôi tê, không đứng nổi.

Tại phòng cấp cứu, cô y tá đẩy xe đưa tôi vào trong, cô nói với tôi: “Now! You can say goodbye your family.” Tôi chưa kịp hiểu điều đó nghĩa là gì, tính hỏi cô ấy tại sao cô lại nói như vậy, thì chồng con tôi chạy lại ôm lấy tôi. Anh xoa đầu tôi bảo là “Em đừng lo, anh để trong ví em cái phone với sợi dây charge. Em vô đó, có gì cần thì em gọi ra ngoài cho gia đình yên tâm.” Anh lúc nào cũng lo cho tôi như con nít vậy.

Thằng con út của tôi ôm lấy mẹ nói: “Mommy, don’t worry mommy. Mommy will be OK! Mommy will be OK!”

Tôi không hiểu họ có nghĩ là ôm tôi sẽ bị lây bệnh không, nhưng phản ứng tự nhiên của tình thương nên tôi cũng ôm lấy hai bố con.

Lúc cô y tá đẩy xe tới cánh cửa vào trong, một nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế đi ra đón tôi, còn cô y tá thì dừng lại ở đó, lúc đó tôi mới hiểu tại sao cô ấy lại nói tôi từ giã gia đình. Những bệnh nhân vào trong này, có 3 con đường: Một là sẽ trở ra. Hai là sẽ được ở lại điều trị một mình. Ba, trường hợp xấu nhất sẽ là ra đi cũng một mình.

Khi có kết quả dương tính với COVID-19, tôi không nghĩ tới cái chết, vì tôi không sợ. Sống tới tuổi này, với tôi cũng đủ rồi. Ông Trời đã cho tôi quá nhiều ưu đãi, hai đứa con đều sống tốt, có lý tưởng, người chồng thì thương yêu mình hết lòng, thế là quá đủ cho một đời người. Chồng tôi và những đứa con đã cho tôi quá nhiều hạnh phúc, thế nên tôi sẽ không để họ phải buồn khổ, nên tôi sẽ không chết lúc này. Tôi sẽ cố gắng vượt qua thử thách này.

Trong khu cách ly, bác sĩ cho truyền dịch và làm nhiều xét nghiệm khác cho tôi. Lần này may mắn hơn là chỉ ở đó chừng 2 tiếng thì y tá gọi chồng tôi tới đón tôi về.

Sáng hôm sau tôi thấy dễ chịu hơn. Cảm giác chân không còn tê, lồng ngực cũng nhẹ hơn. Tôi nghĩ do tác dụng của chai dịch được truyền hôm qua. Ngày hôm sau nữa, tôi trở lại cảm giác mệt nhưng không dữ dội như hôm đi cấp cứu.

Qua hai lần cấp cứu, tôi nhớ lời bà bác sĩ gia đình khuyên tôi thật hữu ích: Phải nghỉ ngơi nhiều, uống thật nhiều nước, uống thuốc khi cần thiết, như bị ho uống thuốc ho, nhức đầu thì uống thuốc nhức đầu,… Điều quan trọng là khi cảm thấy không chịu được nên vào bệnh viện, quan trọng nhất là phải vào cấp cứu sớm.

Điều quan trọng hơn hết đó là tình thương của gia đình dành cho tôi, những viên vitamin, ly sữa, chén cháo,.. được chuẩn bị bằng tất cả tấm lòng của chồng và những đứa con. Nếu không có họ, có lẽ, tôi cũng không thể kể câu chuyện này.

‘Phải tỉnh táo trong mê hồn trận của đại dịch COVID-19’

(Lời kể của ông M. Nguyen)

Tôi và vợ tôi đều có tiền sử ung thư, dù đã được chưa khỏi, cộng thêm lớn tuổi nên dễ bị virus tấn công, nhất là coronavirus.

Tôi đón nhận việc nhà tôi bị dương tính COVID-19 môt cách bình thản, hay ít nhất phải tỏ ra như thế, vì tôi là chỗ dựa chính của nhà tôi.

Tôi là một bác sĩ trong binh chủng Nhảy Dù của QL.VNCH, những kiến thức về y học theo tôi hơn nửa đời người, cộng thêm sự tìm hiểu về coronavirus qua tài liệu, báo chí, cho tôi một số kiến thức để đối phó khi nhà tôi bị dương tính với COVID-19.

Chúng ta không biết nhiều về coronavirus. Chúng ta đang ở trong mê hồn trận của đại dịch COVID-19, vì mình chưa hiểu hết cách thức nó lây bệnh ra sao, truyền bệnh như thế nào, cơ quan nội tạng nào sẽ bị nó phá theo từng thời điểm, v.v… nên phải thật tỉnh táo. Điều quan trọng là phải phòng ngừa và biết tăng cường sức đề kháng của cơ thể để có sức chống chọi với virus khi bị nó xâm nhập.

Người từ 60 tuổi trở lên, nếu ăn uống không được nên có thêm isolate protein để tăng cường chất trong cơ thể, giúp cơ thể khỏe hơn. Ngoài ra nên uống đều đặn một số vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Đương nhiên số lượng uống thế nào thì nên hỏi bác sĩ, chứ đừng thấy thuốc bổ nào cũng uống.

Ngay trong Tháng Hai, khi nhà tôi bị ho, tôi đã cho dùng thường xuyên một số vitamin như B, C, D3, và Zinc (kẽm). Nhà tôi ăn ít, tôi mua isolate protein pha vào sữa cho cô ấy uống để bảo đảm lượng protein và chất đạm. Như thế, dù không ăn được nhiều, nhưng trong cơ thể nhà tôi vẫn đủ chất để chiến đấu với con virus này.

Khi vợ tôi bị COVID-19, tôi theo dõi hơi thở của cô ấy, có mệt nhọc không, có khó khăn không,… Tôi hiểu, điều quan trọng lúc đó là phải theo dõi hơi thở, không thể để hơi thở người bệnh quá yếu, lúc đó vào bệnh viện thì e rằng quá trễ. Tôi cũng nghĩ mình có thể mất đi người thân yêu nhất của mình. Sợ lắm! Tâm trạng kinh hãi nhất là khi đưa nhà tôi vào phòng cấp cứu.

Lần đầu tiên chở nhà tôi đi cấp cứu. Khi họ đẩy nhà tôi vào khu cách ly, họ chỉ đưa tôi một số phone nói ít nhất hai tiếng sau hãy gọi vào với mã số đó, để biết tin tức của vợ tôi, chỉ được một người gọi thôi. Chúng tôi không kịp nói gì với nhau cả, tôi cũng không kịp chuẩn bị cho nhà tôi cầm theo cái phone để liên lạc. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Nhờ nhà tôi được y tá đẩy xe vào trong khu cách ly, cánh cửa tự động khép lại, lúc đó hai chúng tôi ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau.

Lòng tôi rối bời, đầu tôi xoay như chong chóng… Chẳng lẽ cả đời sống với nhau, chẳng lẽ bây giờ xa nhau như thế này ư? Rồi bây giờ không được gặp nhau sao? Lòng tôi đau như xát muối. Tôi sợ mất vợ chứ! Chẳng biết định mệnh sẽ như thế nào: Tôi sẽ đón nhà tôi về hay phải lo hậu sự cho vợ mình? Đó là một câu hỏi vừa đắng lòng, vừa đau đớn.

Một tuần sau, lại đưa nhà tôi vào vì chân cô ấy trở nên nặng nề, không thể cử động. Tôi hơi sợ, vì những người bị nhiễm virus, không chỉ riêng COVID-19, hay bị viêm dây thần kinh, khiến chân bị bại xụi. Chúng tôi ở bên ngoài chỉ biết cầu nguyện.

Lần này chỉ ở bệnh viện hơn hai tiếng. bác sĩ vẫn không tìm ra nguyên nhân, chỉ yêu cầu về gặp bác sĩ thần kinh. Ngoài uống thuốc chỉ định, tôi tiếp tục cho nhà tôi uống thêm vitamin, cho thêm isolate protein vào sữa, nên vợ tôi khỏe hơn.

Bây giờ tôi nghĩ đến hậu quả, như hơi thở vợ tôi vẫn còn yếu, và ngắn. Cô ấy không thể hít thở sau như trước, điều đó có nghĩa là phổi vẫn bị tổn thương, chưa hồi phục. Cho đến bao giờ hồi phục thì chưa biết. Rồi còn những “dư chấn” nào khác không? Ngay cả bác sĩ cũng không dự đoán được. Điều quan trọng là tôi phải theo dõi kỹ cô ấy, nếu có biểu hiện gì bất thường thì báo với bác sĩ, hoặc đưa vào bệnh viện.

Nhìn lại tôi thấy rằng, khi gia đình có người bệnh đừng hốt hoảng, phải chấp nhận đối đầu với con virus này. Nên nhớ tỷ lệ chết vì COVID-19 cũng chỉ khoảng 6% thôi. Bệnh nhân có thể hốt hoảng, nhưng chúng ta phải sáng suốt, bình tĩnh theo dõi tiến triển của bệnh, đặc biệt theo dõi hơi thở bệnh nhân. Nếu mệt một chút nên đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt, đừng để quá nặng.

Người bệnh mất nhiều trong bệnh viện hầu hết rơi vô những người phải đặt máy thở. Theo thống kê của CD Utah, khi phải dùng máy thở, thì cơ hội sống của bệnh nhân chỉ còn từ 15% đến 30% thôi. Cũng theo CDC Utah, một người bị dương tính COVID-19 sau 3 tuần lễ mà còn sống, coi như khỏi, không cần test lại.

Nhà tôi đã sống qua tuần thứ tư, kể từ ngày xét nghiệm dương tính.

Ơn trời!

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

Còn chưa biết chi

Tôi ở Mỹ còn 1 năm nữa là 30 năm. Tôi đặt chân lên nước Mỹ tại thành phố Seatle thuộc tiểu bang Washington State vào lúc 8 giờ sang ngày 9-4-1991, tức là sau ngày lễ Độc Lập của nước Mỹ 5 ngày.

Tại thành phố tôi ở là Louisville, có một trường đua ngựa danh tiếng chẳng nhng khắp nước Mỹ mà còn trên thế giới nữa. Mỗi năm tuỳ thời tiết vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 có một ngày mở màn đua ngựa được gọi là Kentucky Derby Day. 

Trong tuần lễ trước đó, người ta tổ chức nhiều cuộc vui chơi như Trình diễn phi cơ trên không, Nhảy dù, Đốt pháo bông … Màn đốt pháo bông nầy do các cơ sở thương mại bảo trợ, chi phí có năm 1 triệu đô tiền pháo bông, người ta xem đông nghẹt.

Mỗi năm cứ gần đến ngày July 4th. Thì có những lều vải căng ra ở bãi đậu xe của các Mall hay các cửa hàng thực phẩm lớn như Walmart, Kroger bày bán Pháo.

Có những xí nghiệp sản xuất Pháo, nên có những cửa hàng bán Pháo quanh năm.

Cứ gần đến ngày lễ Độc Lập nghe nói đốt pháo, thấy những lều bán pháo, nhưng tôi không nghĩ rằng trước đó vài hôm, đã cho phép đốt pháo và nhất là đêm 4 tháng 7. Đêm nằm trong nhà nghe tiếng pháo nổ đì đùng ở trước nhà, ở sau hè, ở bên hông phải, trái, gần có, xa có.

Tối hôm qua 4-7, tôi mới mở cửa trước nhà nhìn xem hóa ra những tiếng nổ đì đùng ấy toàn là pháo bông. Ra sau nhà cùng thấy pháo bông đẹp mắt.

Tôi cho rằng tôi chưa biết chi, sau khi đã ở Mỹ sống gần 30 năm, vì người ta đốt pháo bông khắp nơi mà tôi cứ nghĩ rằng họ chỉ đốt pháo.

Khác hơn Việt Nam ta, người Mỹ đốt toàn là pháo bông, chớ không phải như ta đốt pháo dây, nổ dòn tai, còn đây nổ đẹp mắt.


8664050720







Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Học, học thêm chút nữa

Khi qua Mỹ năm 1991, thấy tôi ghi trong hồ sơ có đi dạy học tại Việt Nam, nên họ tìm cho tôi một công việc làm ở nhà trường gọi Bilingual Associates. Công việc đó là vào trong lớp học của trường Iroquois High School thầy cô giáo dạy môn chi, học sinh không hiểu, hỏi mình phải giảng giải cho học sinh hiểu hoặc là dịch câu hỏi đó cho Thầy, Cô giáo nghe, để họ giảng cho học sinh hiểu.

Vì chế độ học ở Mỹ khác Việt Nam, học sinh vào lớp học theo tuổi chớ không theo trình độ, nên nhiều em con lai, sang Mỹ 15, 16 tuổi, ở Việt Nam thất học, sang Mỹ học xếp vào lớp 10, lớp 11, các em tiếng Anh, chữ Anh nào biết chi, nên trong các lớp có học sinh Việt Nam, họ cần có Bilingual Associates.

Chương trình nầy có quỹ, nên họ gửi chúng tôi đi học thêm Computeur vỡ lòng, năm đó vào khoảng tháng 10 năm 1991, tôi được đi học, nay không còn nhớ máy hiệu chi, học đâu khoảng 2 tuần, mỗi tuần 3 đêm 2, 4, 6, mỗi đêm khoảng gần 2 giờ, cuối khóa, ai muốn có bằng phải nộp ảnh, ghi danh, ai muốn có chứng chỉ thì gõ Họ, Tên của mình vào máy, tôi nhớ tôi có cái chứng chỉ để làm kỷ niệm, nhưng lâu quá không quan tâm nên đã mát rồi.

Thời đó đĩa khá lớn mà chẳng giữ được bao nhiêu, sau đó tới đĩa 1.4M, sau nữa tới CD rồi DVD, CD có làm cái đĩa nhỏ hơn, nhưng không thông dụng, vì ít ai xài.


Nay đã dùng USB từ 1 GB, 2 GB … đến 128 GD loại nhỏ,

 

Loại vừa vừa 500 GB, 1TB

Tôi chỉ học có vậy, sau nầy mấy anh có bằng BS hoặc MS hướng dẫn, giúp tôi làm trang Web. Thuở ban đầu vào những năam 1996-97 muốn xây dựng Trang Mạng, người ta phải viết Thảo Trang Mang dưới dạng Siêu Văn Bản HTML (Hyper Text Markup Language ). Cái khó là chữ Việt có dấu, do đó phải dùng ký lệnh (Tag) để viết.

Ðây là mẫu viết Thảo Trang Mạng dưới dạng HTML ở Notepad: ở Accessories.

<HTML>
<HEAD>
<TITLE>Trang 1</TITLE>
<BODY  BGCOLOR="#FFFFFF" TEXT="#000000" LINK="#AA1177" ALINK="#EE0000" VLINK="#00BB00">
<FONT FACE="Time New Roman">
<P><H2 ALIGN="CENTER">Thư Viện Miền Nam</H2>
<P ALIGN="CENTER">TRANG NHÀ
<P ALIGN="CENTER">Thư Viện Miền Nam Hải Ngoại
<P ALIGN="CENTER">Ðịa chỉ liên lạc : - P. O. Box 21276 Louisville KY 40221-0276<BR>-Chủ biên 9913 Colebrooke Lane, Louisville, KY. 40219 USA
<P ALIGN="RIGH"><A HREF="mailto:PhucTrung@gmail.com">Email</A>
<p><h3 aligh="center">Ðại Cương Về Internet và Website</h3>
<p>I.-ÐẠI CƯƠNG :
<p><pre> Chỉ trong vài năm cuối cùng của thế kỷ thứ 20 . . .</pre>
<p ALIGN="CENTER"><img border="0" src="../images/hoasen1.jpg" width="200" height="160"></p>
<p><a href="http://www.nsphathoc.org">Kết nối NS Phật Học</a>
</font>
</body>
</html>


Siêu Văn Bản nầy đưa lên Mạng, chúng ta sẽ thấy như sau :

Thư Viện Miền Nam

TRANG NHÀ

Thư Viện Miền Nam Hải Ngoại

Ðịa chỉ liên lạc : - P. O. Box 21276 Louisville KY 40221-0276
-Chủ biên 9913 Colebrooke Lane, Louisville, KY. 40219 USA

Email

Ðại Cương Về Internet và Website

I.-ÐẠI CƯƠNG :

     Chỉ trong vài năm cuối cùng của thế kỷ thứ 20 . . .


Kết nối NS Phật Học

Sau nầy người ta viết thành Chương trình, người làm Trang Mạng chỉ bỏ bài và hình ảnh vào đó mà thôi.

Trong quá trình sử dụng Computer hay làm Web nó vẫn có những trục trặc, muốn giải quyết, tôi lười gọi con trai nhờ giải quyết, tiện nhưng mà mình không biết không học hỏi được chi hết.

Trên Mạng có Google, gặp những khó khăn chúng ta vào Google gõ những khó khan đó, nó sẽ chỉ dẫn cho chúng ta. Chẳng hạn trước đây tôi dùng điện thoại cầm tay Samsung, chụp ảnh xong, lấy ảnh đưa vào máy vi tính dễ dàng, hôm sinh nhật con trai cho cái Pixel 2 XL, chụp ảnh xong rồi, không biết làm sao lấy ảnh vào máy vi tính, phải làm cách dung điện thoại gửi điện thư kèm ảnh, làm vậy mất thì giờ quá khi tôi chụp nhiều ảnh. Lần nầy không làm biếng nữa, vào Google gõ: “Làm sao lấy ảnh từ Pixel 2XL”, thế là nó đưa ra cái Video dạy từ A đến Z.

Trước đây, thấy người ta cắt hình trong vòng tròn, không biết làm sao nên vào Google gõ: “Làm sao cắt hình trong vòng tròn”. Google đưa ra , người chỉ cắt kiểu nầy, người chỉ cắt kiểu kia. Hiểu được cách nào, làm được cách nào, ta sử dụng cách ấy.

Vấn đề tôi muốn nói là phải học, phải chạy theo sự tiến bộ của thời đại điện tử, thời đại của @ , xin đừng ngại mất thì giờ, đừng dựa vào người khác, học làm cho bộ óc của chúng ta phải làm việc, đừng để nó lão hóa vì chúng ta ngại khó. Cũng như người ta phải tập thể dục, đừng ngại mệt, nhờ có tập thể dục hàng ngày thân thể chúng ta khỏe mạnh, Sử dụng bộ óc bắt nó phải học hỏi luôn, thì trí óc chúng ta sẽ minh mẫn.

Không ai tránh được Chân lý: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Nhưng chúng ta cần giữ cho được khỏe mạnh, minh mẫn cho đến khi nằm xuống nhắm mắt xuôi tay.  

8664010720