Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Sông Hương một buổi sáng

Thuyền chèo sang sông





Tôi đã thấy một chiếc thuyền đơn độc,
Sáng tinh sương có một người chèo.
Vượt qua Cồn Hến sông Hương.
Thuyền chở chi đó,
Hay tìm về bến thương ?

Thuyền có chở, chở dùm cho tôi chút,
Chút buồn phiền với cả nhớ thương.
Người xưa xa xứ lâu rồi,
Tràng Tiền cầu đó vẫn là dấu ghi.
Ghi ngày đó chúng tôi sánh bước,
Đi bên nhau vui vẻ những lời.
Hẹn hò cho bỏ nhớ thương,
Chỉ mây.
Mây hờ hững lưng trời,
Chỉ dòng nước chảy xuôi miền biển khơi.

Ly cà-phê sớm, uống chừng không đắng,
Ngọt ngào thay từng giọt vắn dài.
Từ đâu quay lộn trở về,
Nhắc tôi thêm nhớ ngày xưa
Đậm đà.

Huế 21/4/2019








Nhớ Tết năm xưa


Tôi muốn có thì giờ hồi tưởng lại những mùa Xuân xa xưa, lúc còn bé và lúc đã nên người. Nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc đời của mỗi người, nhưng có những sự kiện làm cho người ta nhớ mãi vì những sự khổ đau hay mừng vui quá lớn, còn những sự kiện khác đã xảy ra rồi nó bị lãng quên đi theo cùng năm tháng.

Những sự kiện lớn của nước nhà như năm Ất Dậu 1945, hay Hiệp Định Genèvre 1954, lúc đó tôi còn nhỏ, ở nhà quê cũng còn nhớ cờ tam sắc, cờ đỏ sao vàng, cờ vàng ba sọc đỏ.

Sự kiện đổi đời năm 1975, miền Bắc giải phóng miền Nam, Hiệp thương Nam Bắc, rồi thống nhất Bắc Nam, sự kiện nầy xảy ra tôi đã nên người rồi, đã thấy cờ nửa đỏ, nửa xanh với ngôi sao vàng, rồi cờ đỏ sao vàng, rồi không thấy cờ đâu hết mà chỉ thấy lá xanh, cây rừng với cỏ tranh ngập lối. Đó là lúc tôi đi học tập cải tạo. Bây giờ thì chỉ thấy cờ hoa cho nên có khi ngọn gió buồn vui đưa đến, nhớ đến thuở xa xưa.

Khi tôi lên 5 lên 6, đó là lúc có thấy cờ đỏ sao vàng một thời gian, rồi lại thấy cờ tam sắc, bắt chước người lớn tôi nhớ mình đã ca hát nghêu ngao:

Cờ tam sắc dính c… bay mùi thúi,
Cờ Việt Nam dính chuối bay mùi thơm…

Thời đó, những anh, những chị, những cô, những chú trong xóm tôi xung phong vào Thanh niên Tiền Phong, buổi trưa hay chiều họ tập họp lại thành hàng ngũ, có nhiều nhóm, mỗi nhóm có 2 hàng dọc, vai vác khúc tầm vong hoặc khúc tre dài chừng sải tay, chân trần không giày, dép họ đi đều bước rộn rịp, nhịp nhàng theo nhịp đếm một hai, một hai.

Được một thời gian rồi Tây bố ráp, phong trào tan rã tự lúc nào, nhưng mà trong xóm làng nghèo từ đó. Ăn với mặc là 2 vấn đề của đời sống, thiếu ăn đói chết, báo chí từng nói miền Bắc năm Ất Dậu đói chết khoảng 2 triệu người, miền Nam cái ăn không phải lo, ra đồng cày cuốc đất, xạ lúa bỏ đó, tới mùa lúa chín ra đồng gặt lúa đem về phơi khô xay ra gạo, dã trong cối cho trắng, nấu thành cơm trong nồi đất hay nồi đồng. Lúa làm ra nhiều mà không xuất khẩu được, nên người ta bỏ đất hoang hóa, mỗi nhà chỉ làm chừng vài công đủ ăn mà thôi, có những người không cần làm, tới mùa nước nổi vào ồng Tháp Mười thu hoạch “lúa ma”, đủ cho cả nhà 4, 5 miệng ăn quanh năm, còn thức ăn, ngoài đồng có sẵn cá, ốc, cua. Trẻ con chừng 5, 6 tuổi có thể câu cá, bắt cua, mò ốc. Trong Nam cá nhiều vô số kể, người ta chỉ ăn cá lớn, còn cá nhỏ chừng bằng ngón tay út, người ta trải ra đường lộ, phơi khô để làm phân, loại cá nào có nhiều mở, người ta nấu cho chảy mở ra thành dầu cá.  Ngoài ra mỗi nhà có thể nuôi gà, nuôi vịt, nuôi heo để lấy trứng, lấy thịt mà ăn.

Thời đó không có xuất cảng lúa gạo, nên cũng không có nhập cảng hàng vải, trong vài năm nhà giàu có, người ta phải mặc quần áo cũ, nhà nghèo phải trồng dâu, nuôi tầm để kéo tơ dệt thành lãnh, nổi tiếng nhất là “Lãnh Mỹ A” của Tân Châu thuộc tỉnh Châu Đốc, hoặc trồng cây bông vải để dệt vải ta, nhiều người nhà nghèo chỉ có một bộ đồ vải ta mặc ngày nọ qua ngày kia, nên sanh ra rận, rệp. Do vậy dân gian có câu: “nghèo mạt rệp”, còn có người nghèo quá, không tiền mua vải ta, nên lấy bao bố tời cũ cắt may thành quần áo mặc !  

Nhà nhà không có dầu hôi, phải thắp đèn bằng dầu cá, đến ngày Tết ở nhà quê, chúng tôi muốn treo đèn, thắp sáng ở ngoài đường cho vui ngày Tết. Xóm tôi không rõ bắt chước ở xóm nào, hay ai bày đặt ra trước tiên tôi cũng không biết, nên lấy dây chuối nối thành dây dài, giăng theo hàng rào dọc đường ở trước nhà, đèn thì dùng vỏ ốc bươu, lượm lặt ở ngoài đồng, khoét một lỗ trên thân nó, dùng sợi dây lấy từ bao bố tời ra, một đầu buộc vào cọng chân nhang. Dài chừng lóng tay, làm thành cái ngáng, xỏ vào cái lỗ xoi trên thân ốc, đầu kia sợi dây buộc vào sợi dây giăng ở hàng rào, cái nọ cách cái kia chừng 2, 3 gang tay, đổ dầu cá vào vỏ ốc, tim lấy giẻ rách hay sợi từ bao bố tời làm tim. Vừa dễ làm, không phải tốn tiền mua bán chi cả, nên trẻ con nhà nọ bắt chước nhà kia, cả xóm thắp đèn sáng trưng đêm Giao Thừa trông cũng vui mắt, nhưng phải canh chừng, gió to hay tim lụn đèn sẽ tắt. Trẻ con chỉ vui chốc lát, đâu có can đảm thức khuya, nên qua Giao Thừa một lúc mạnh ai nấy đi ngủ, mặc kệ đèn cháy hay tắt. Do đó, có vài chỗ xảy ra hỏa hoạn cho nên người lớn không cho trẻ con chơi đèn ốc bươu nữa. Cũng là một kỷ niệm thời thơ ấu.

Tết ở nhà quê mà không có đèn cho sáng xóm, sáng làng thì cũng buồn cho nên vài năm sau có dầu hôi nhập cảng, người ta bắt đầu làm đèn ngôi sao hay đèn có thân bao bên ngoài, mỗi nhà treo một hay 2 cây, bên trong để đèn bánh ú, bên ngoài ngôi sao hay thân bao dán giấy kính có màu, đêm Giao Thừa đốt sáng lên cũng đẹp mắt. Nhờ có đèn, trẻ thơ tung tăng khoe áo lụa quần là, tụ năm, tụ ba đi chơi ngoài lộ, mong mau tối mau sáng, để ngày mai, ngày đầu năm đi mừng tuổi ông bà, họ hàng được lì-xì đôi ba đồng, dành để qua Tết đến tiệm “chạp phô” mua bánh tai heo hay kẹo gừng, trẻ con nào cũng thích.

Thời nầy đã có “khí đá”, tên khoa học là Calcium Carbide hay Carbure Calci (CaC2) người lớn chế ra ống lói. Đêm Giao Thừa, đầu trên xóm dưới thi nhau đốt nổ đì đùng vang dội, không thua gì tiếng trọng pháo của nhà binh sau nầy. Thời gian nầy tôi đã lớn lên khoảng 11, 12 tuổi. Tôi bắt chước người lớn đi chặt gốc tre dài chừng sải tay, dùng xà beng thụt cho nó bể hết các ngăn bên trong của lóng tre, chỉ chừa một mắt cuối cùng, khoảng giữa mắt cuối, khoét một lỗ tròn bằng ngón tay trỏ. Muốn đốt, dựng ống lói nghiêng một góc chừng 30 – 60 độ, phần có khoét cáo lỗ ở dưới thấp, bỏ khí đá vào, đổ nước vào sẽ nghe nước sôi “bon bon” là lúc nước và khí đá hóa hợp thành khí acetylene, thì lấy cây rọi đưa vào cái lỗ, khí bên trong sẽ bừng cháy, vì không thoát ra dễ nên nó nổ thành tiếng, nếu để trên miệng ống lói cái mủn dừa, một là khi nổ nó sẽ đẩy cái mủn dừa văng xa, hai là nó sẽ nổ và ống lói sẽ vỡ ra, dễ gây tai nạn. cho nên đừng để vật chi trên miệng ống lói, và ống lói phải làm bằng khúc gốc tre cho nó dầy, nếu làm bằng thân ống tre mỏng quá sẽ vỡ ngay khi nổ.

Vì tiếng nổ của ống lói và tiếng nổ của đại bác giống nhau, nên sau vài năm nghe đâu bị cấm và vì pháo đã nhập cảng, và đã được sản xuất tại Gò Vấp, nên ống lói không còn được sử dụng nữa.

Thời đó xa quá rồi, đã sáu, bảy mươi năm qua, những ngày nghèo khó đó đã qua, nhớ lại những ngày vui, ngày Tết, tuổi thơ không vướng bận âu lo. Mong sao cho ngày nào mọi người cũng được, như người ta thường nói: “vui như ngày Tết”.
8664051219