Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

Cung Chúc Tân Xuân Quý Mão 2023

 


Về Việt Nam tháng 10 năm 2022

Tôi đã về tới Việt Nam vào đêm Thứ Bảy 8 tháng 10 năm 2022, một chuyến đi sau mua dịch bệnh Covid-19. Tôi nhớ lại đầu năm 2020, tôi đã chạy trốn dịch Covid-19 tại Việt Nam về Mỹ.

Năm nay chuyến hành trình của tôi từ Mỹ về Việt Nam coi như không bị ảnh hưởng chi về Covid, tức là không phải Test Covid trước khi lên phi cơ, không phải trình giấy tờ chích ngừa Covid -19, nhưng hơi vất vả vì khi phi cơ bay qua vùng trời Thái Bình Dương chắc bị bão tố nên thân phi cơ bị lắc lư, chao đão, nhớ lại 31 năm về trước, chính xác hơn là ngày 9 tháng 4 năm 1991, gia đình chúng tôi đáp chuyến bay từ phi trường Narita bay qua Thái Bình Dương, để đến phi trường Seatle thuộc tiểu bang Washington State, ngày hôm đó chắc là bão to, gió lớn nên phi cơ rung chuyển toàn thân, gia đình chúng tôi lại ngồi ở băng ghế sau cùng, chuyến đi lần nầy được ngồi ở dãi ghế 12A và 12C, và từ Nariat về Tân Sơn Nhất ngồi hàng ghế 27K và 27H phi cơ Boeing 787 của hãng American Airlines và Japan Airlines nên được êm ái hơn.

Phi trường Tân Sơn Nhất đêm 9-10-2022

Tôi không hiểu vì sao mà rất nhiều người cần đi xe đẩy, mặc dù họ còn trẻ và đi đứng rất khỏe mạnh, cho nên khi làm thủ tục nhập cảnh tại Tân Sơn Nhất, những người khác không đi xe đẩy đã làm xong, trong khi những người đi xe đẩy còn độ 10 người phải xếp hàng chờ làm thủ tục.

Tại phi trường Narita mọi người đều phải mang khẩu trang, những ai nhập cảnh vào Nhật phải Test Covid, còn những ai chuyển cảnh không phải Test Covid, chỉ bị khám hành lý xách tay mà thôi.

Mấy năm trước về Việt Nam tôi lái xe gắn máy đi ăn sáng, đi thăm bạn, đi dạo phố Sàigòn-Chợ Lớn-Gia Định, nhưng đầu năm ngoái tôi lái xe gây tai nạn, tôi đụng ngang hông xe người ta, nhưng tôi không rõ nguyên nhân, vì tôi chạy qua 2 làn xe gần và làn xe thứ 3 bên kia cũng không sao, đến làn thứ 4 tôi mới đụng xe người ta, trên xe tôi đụng có người đàn bà bước ra khỏi xe với đứa con nhỏ khóc, người chồng lái xe tôi nhìn thấy anh ta máu mũi, máu miệng đầy mặt, cánh cửa bị xe tôi đụng ép vào nên anh ta không rời chỗ tay lái được. Có thể tôi vượt đèn đỏ, mà cũng có thể xe kia vượt đèn đỏ ?

Khi Cảnh Sát tới hỏi tôi: “Chuyện chi đã xảy ra”, tôi đáp:

-        -  Tôi không biết.

Rồi xe cứu thương tới, đứa bé được người mẹ ẳm lên xe cứu thương, anh chồng lên theo. Còn tôi được con gái tới, đưa chúng tôi vào bệnh viện, họ đưa chúng tôi vào máy MRI chụp hình cắt lớp, sau đó bác sĩ khám nghiệm rồi cho về vì không có bị thương tích chi cả.

Xe tôi bể thùng nước, bể mặt nạ, cảnh sát kéo bỏ vào bãi xe bị tai nạn, con trai tôi bỏ xe luôn không sửa chữa, vì xe ấy của con trai tôi. Hắn nói với tôi:

-         - Cha lớn tuổi rồi. Thôi đừng lái xe nữa, đi đâu chúng con đưa đi.

Do vậy hơn năm nay khi đi chợ, đi bác sĩ khám sức khỏe, chữa mắt, con gái tôi đều đưa đi. Tuy nhiên con gái tôi đưa ý kiến với tôi:

-   Cha đi gần như đi đến nhà bank hay cửa hàng Dollars General cứ lấy xe mà đi.

Nhưng những nơi đó, tôi thả bộ chừng 30 phút là tới, cũng là đi như đi bộ thể dục, nên tôi thường đi bộ cho được lưỡng tiện.

Do vậy, lần nầy về Việt Nam các con tôi đều yêu cầu, đi đâu dùng Grab hay Taxi chớ không nên đi xe gắn máy. Con rể tôi đề nghị:

-        -  Cha đi đâu cho con biết, con đưa cha mẹ đi.

Nhưng con rể tôi cũng còn các công trình phải làm, con gái tôi còn phải lo cơm nước.

Có người quen có xe con, đưa đề nghị:

-         - Anh đi đâu, đừng ngại, em sẵn sàng đưa anh chị đi.

Là một người tốt, nhưng mình không thể lợi dụng lòng tốt của người ta, cho nên chắc chúng tôi cũng phải nhờ đưa đi chùa Linh Sơn Cổ Tự ở Núi Dinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu, đi Quan Âm Tu Viện ở Biên Hòa hoặc vài nơi khác.

Tôi thích đi về quê ở An Giang bằng xe đò, Xưa kia khi còn Bă;c Mỹ Thuận, Vàm Cống, Cần Thơ. Có khi Mồng Một Tết trực buổi sáng xong, tôi ra xe đi Cần Thơ, rôì Cần Thơ đi Long Xuyên, có khi không có xe phải đi xe chuyền Cần Thơ - Thốt Nốt, Thốt Nốt – Long Xuyen hay Thốt Nốt – Vàm Cống, Vàm Cống về Long Xuyên, cuối cùng cũng tối mồng Một Tết về đến nhà.

Nay tôi cũng muốn đi xe đò, nhưng nhà tôi sức khỏe yếu, không thể ngồi xe đò, chỉ muốn đi xe riêng, xe nhà hay xe thuê bao. Tuổi cao sức khỏe yếu, Miễn an vui là tốt.

Những bài viết:

Đi chùa thăm viếng Tăng Ni

Họp mặt với các đồng môn.

Đi Linh Sơn Cổ Tự viếng tháp Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác.

Họp mặt với các cháu cùng đi chiêm bái Phật tích Ấn Độ.

Trở lại Quan Âm Tu Viện thăm Ni trưởng Kim Sơn

Một bài học Phật

Hôm qua đi ăn cưới ở Sàigòn

Đi bộ thể dục tại Công Viên Phú Lâm

Chuyện buồn mới đến

Về quê ngoại dự đám giỗ mẹ

          Họp mặt truyền thống NTT-PĐP 27-11-2022 Tri ân Thầy Cô

Tôi bị Covid-19

Về 5 Ông Thẻ hay Ngũ Long trấn phục

Dạo Phố Sàigòn 2022

Một nghề cao quý

          Trở về Mỹ

866414102022
866414122022




Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Sinh nhật của tôi

 Hôm qua là ngày Rằm Tháng Tư ngày Phật Đản 2646, cũng là ngày 15 tháng 5 năm 2022 là ngày Sinh nhật thứ 81 của tôi.

Ngoài việc nhà tôi và các con gửi thiệp, gọi điện thoại chúc mừng Sinh nhật với quà, riêng cậu con trai mấy hôm trước cho biết sẽ mua ổ cứng và thay cho máy vi tính của tôi, vì máy chạy chậm.

Do con trai tôi phải đưa con gái ra phi trường đi Đức làm việc trong thời gian hè, nên gần 9 giờ đêm mới tới nhà tôi để thay ổ cứng, thay xong đã 9 giờ 1 khắc, thế là tôi cho máy chạy thử, nhân tiện kiểm tra Điện thư, thấy Facebok chuyển đến tôi có vài người bạn và nhiều anh chị cựu học sinh gửi lời chúc mừng Sinh nhật tới tôi, có người gửi kèm theo ảnh mừng sinh nhật, qua đó được ăn bánh vẽ với uống rượu vang và những ảnh hoa Phong Lan màu sắc tuyệt đẹp.

Gần 10 giờ đêm, tôi lên giường ngủ, lại thấy cái điện thoại bật sang, vói tay cầm lên xem thấy có tin nhắn ở Messenger:

Hoang Tim

Dạ, con kính chúc ông sáu có thật nhiều sức khỏe và luôn vui vẻ.

Tôi không rõ người gửi mà đoán chắc là cháu nội của chị tôi, năm nay cháu cũng đã ngoài 20, có trình độ cao đẳng. Gia đình cháu ở miền quê, nhưng cũng có mấy năm lên Sàigòn học.

Sáng nay dậy như mọi hôm, sau khi cúng Phật công phu ngồi thiền, kế đó tập dưỡng sinh có Vẫy tay diệu pháp và Dịch Cân Kinh rồi ăn sáng với Oatmeal. Tôi có thói quen vừa ăn vừa check mail, lại thấy facebook báo có những người gửi tin nhắn, thế là tôi mở xem. Nghĩ cũng nên ghi lại những bạn và các anh chị đã chúc mừng sinh nhật của tôi năm nay:

Âu Gia Thành, Phúc Nguyễn, Long Lê, Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Thanh Quan, Nguyễn Kiển, Lâm Khương Tiến, Nguyễn Bá Hùng, Nghệ Thanh, Nguyễn Thị Nở, Nguyễn Phương, Võ Đức Duy, Kim Văn, Thân Hằng, Võ Văn Chính,Hương Lê, Xuân Đỗ, Phạm Thị Kim Bích, Huỳnh Thị Ánh, Thủy Thanh, Mắt Nai Tuyết Mai, Phạm Việt Hùng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Bảo, Nguyễn Mạnh Hùng, Tạ Văn Vàng, Lê Hải Tuấn, Đỗ Văn Bình, Nguyễn Chí Hiệp, Tiêu Thị Thu Nga, Khanh Nguyễn, Bina Trần, Mai Đặng, Ru Phạm, Trần Hồng Loan, Nancy Elam, Trần Thị Thanh Minh, Vui Nguyễn, Nguyễn Văn Quận, Nguyễn Quốc Thắng Nguyễn Thị Oanh, Tùng Cao, Tô DT, Nguyễn Huy Nghiên, Tao Lê Kiên, Sen Huỳnh, Thiên Kim Mai Nương, Lộc Tiên, Quang Nguyễn, Nguyễn Thanh, Phạm Quang Ánh, Nguyễn Hữu Hiếu, Đặng Ngọc Hữu, Thúy Huỳnh, Do Bidong, Manh Lam, Võ Đức Hùng, Nguyễn Khắc Hùng, Minh Trương, Trần trọng Triết, Đinh Hoàng Vỹ, Binh Lu, Phan Đặng Văn, Trần Tảo, Kiên Phạm, Tiến Phan, Đỗ Xuân Nguyên, Đỗ Khắc Luật, Lu Anh Hà, Lâm Trung Hiếu, Nguyễn Ngọc Kiều, Liên Châu, Hương Lê, Man Đỗ, Tiêu Thị Thu Nga, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Thành Đạt, Pham Young.

Xin quý anh chị và các bạn nhận nơi đây lời cảm ơn chân thành của chúng tôi. Ấm áp biết bao khi nhận lời cầu chúc của quí anh chị và các bạn trong ngày Sinh nhật.

866416012022





Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

Những người Mỹ bạn tôi

 Gia đình tôi đi định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1991. Tôi đi Học tập cải tạo chỉ có 2 năm, 2 tháng, 20 ngày, nhưng tôi được đi diện HO nhiều người không tin như vậy, ngay cả những anh đi HO ở cùng thành phố với tôi.

Có rất nhiều yếu tố để tôi được đi HO, tôi xin nói ngay một là năm 1984 chị tôi cùng gia đình đi Mỹ, trước đó tôi xin đi Pháp do anh tôi bảo lãnh, nhưng về sau anh cho biết là Pháp đã nghèo, đi sang Mỹ tốt hơn và anh ấy nhờ chị tôi bảo lãnh cho tôi đi Mỹ.

Năm 1988, cơ quan ODP của Mỹ gửi thư cho chị tôi báo rằng sẽ phỏng vấn tôi một ngày gần đây, nhưng tôi chờ cho đến năm 1990, có người bảo tôi chờ lâu quá làm đơn khiếu nại gửi sang Bangkok, yêu cầu họ cứu xét, nên tôi làm theo gợi ý nầy và tôi cũng biết đi học tập cải tạo chưa đủ 3 năm sẽ không được đi HO, nên trước đó tôi không hề làm đơn xin đi diện HO, nhưng khi yêu cầu họ cứu xét cho tôi đi theo diện Đoàn tụ (ODP), tôi có nêu lý do là tôi có đi học tập cải tạo 2 năm 2 tháng 20 ngày, sau đó tôi bị quản chế trên 2 năm mới được trả quyền công dân. Tổng cộng như là tôi bị 4 năm. Theo như người bình thường chỉ bị quản chế 6 tháng là được trả quyền công dân. Còn tôi thật ra được về sớm là nhờ một bạn tù giúp tôi, vì bố anh ta nguyên là Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn đang trông coi chúng tôi.

Rồi khi tôi được tạm tha về ngày 16-9-1977, đến ngày 14-10-1977 chưa được 1 tháng, chưa có Hợp Đồng trong tay, tôi được gọi đi làm ở Phòng Thanh Tra Sở Lao Động, do ông Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Thiện, người chủ trì kiến trúc Thư viện Quốc Gia ở đường Gia Long Sàigòn, Phó Giám Đốc Sở Xây Dựng Tp. HCM, giới thiệu cho tôi đi làm.

Vì tôi đi làm 1 tuần rồi mà chưa có Hợp Đồng trong tay để xin nhập Hộ Khẩu, xin mua gạo theo tiêu chuẩn, nên tôi tìm gặp ông Lâm Tấn Lộc Chánh văn phòng Sở Lao Động, hỏi ông ta về hợp đồng, ông ta vui cười bảo tôi:

- Cháu đã đi làm ở Sở Lao Động là nơi phụ trách về chánh sách, các Sở khác còn phải đem hợp ồng đdến đây duyệt mà ! Đừng lo ! Nhưng để tôi bảo anh Thành Phó Văn Phòng làm Hợp Đồng cho cháu.

Do ông Lộc cho biết như thế, nên sau khi về đủ 6 tháng, đủ tiêu chuẩn xin phục hồi Quyền Công Dân, tôi chẳng thèm gửi đơn xin, vì vậy gần 2 năm sau anh Công an khu vực mang Quyết định phục hồi Quyền Công dân đến nhà giao cho tôi.

Sang đến phi trường Bangkok, làm hồ sơ ký giấy nợ tiền vé máy bay, tôi cũng không quan tâm lắm chỉ biết rằng mình đi máy bay mà không mua vé thì có nợ, nay ký giấy nợ để trả sau. Vậy là tốt rồi. Sang tới Mỹ về chỗ định cư, chị tôi thuê sẵn chung cư cho gia đình tôi ở. Vài ngày sau có một anh người Việt làm cho Hội USCC đến chung cư làm hồ sơ cho gia đình tôi. Anh ta báo cho biết tôi được hưởng quy chế của diện HO, được lãnh tiền Welfare … Lúc đó tôi mới biết mình đi theo diện HO, nhưng trên danh sách chuyến bay, gia đình tôi thuộc danh sách B… đi chung với những người HO6, trong đó chỉ có duy nhất một gia đình thuộc danh sách HO7, do một người phụ nữ đứng tên.

Năm 1994, gia đình tôi đi mua nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng tắm, có đủ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp và tầng hầm (basement), có thêm phòng ngủ, phòng sinh hoạt gia đình và một quầy rượu, phía sau nhà có cái Deck. Thời giá lúc đó là 64 ngàn.

Cạnh nhà tôi là cập vợ chồng ông Jack Shanoff và bà vợ Diana, bà Diana người gốc ở Pensylvania. Ông Jack có đời vợ trước, có người con trai đã có gia đình và sinh sống ở New Mexico, tôi chưa từng thấy con trai ông Jack đến thăm ông, nhưng người anh của ông là William Schanoff thỉnh thoảng tới thăm, đôi khi Bill cũng qua nhà thăm tôi, tôi cũng có đến nhà thăm Bill đôi lần, ông đã hưu và sống độc thân.

Jack và Diana luôn luôn giúp đỡ chúng tôi, thấy tôi không biết điều chi anh ta hoặc vợ luôn chỉ dẫn cho tôi. Chẳng hạn như có một lần mưa đá, Jack bảo tôi gọi bảo hiễm báo cho họ đến xem sự hư hỏng mái nhà, sau đó bảo hiểm cho biết bị hư hỏng mấy chỗ, họ sẽ đền tiền để sửa mấy chỗ đó. Jack bảo tôi:

- Anh để tôi giải quyết cho! Không thể sửa chữa mấy chỗ như vậy được !

Rồi Jack gọi điện thoại cho hãng bảo hiểm. Cuối cùng họ bằng lòng trả tiền lợp lại cả 2 mái. Jack lại gọi cho người lợp nhà đến lợp lại nhà cho tôi.

Có khi xe Jack hư vào lúc tuyết đổ nhiều, tôi đưa Jack đi chợ mua thức ăn.

Vài năm sau, Jack bán nhà đi ở chung cư, ở được vài năm vợ chồng Jack di chuyển về New Mexico để ở gần con trai, từ đó Jack và tôi không còn liên lạc nữa.

Trước khi bán nhà, Jack kêu tôi bán rẻ chiếc xe của Jack, tôi bảo tôi không có nhu cầu, hôm sau Jack bảo là cho tôi chiếc xe đó, tôi trả lời cám ơn và lập lại mình không có nhu cầu, hơn nữa tôi không thích xe của Jack cồng kềnh, vài hôm sau Jack bán xe cho người lạ.

Lúc làm ở Công ty, khi thì ở Xưởng, lúc ở văn phòng, nhất là khi làm ở Xưởng, tôi không có bạn Mỹ, chỉ có bạn Việt Nam, Thái hoặc Lào hay Campuchea. Nhưng từ khi về hưu, mỗi ngày đi vào trong Mall để đi bộ thể dục, chúng tôi quen với nhiều người bạn Mỹ, vì họ cũng đi bộ thể dục, gặp nhau, đi song hành, hàn huyên nên trở thành bạn.


Trong số bạn đó có Tom với Bill là đôi bạn thường đi chung với nhau, Tom thì mập còn Bill thì ốm và già hơn Tom. Có hôm Tom nói với tôi:

- Tông ! Bill là nhà sản xuất rượu Bourbon. Hôm nào Bill sẽ cho anh uống vài ly Bourbon.

Rượu Bourbon là loại rượu mạnh làm từ bắp. Đất ở vùng Kentucky tôi thường thấy trồng bắp và đậu nành, họ trồng như thế nầy, năm nay trồng bắp sang năm trồng đậu rồi sang năm tới trồng bắp cứ thay phiên trồng như thế.

Tôi chưa được uống rượu của Bill thì một hôm Tom cho tôi biết Bill đã qua đời rồi!

Năm 2012, tôi đi về Việt Nam trong thời gian bầu cử ở Mỹ, Tom hỏi tôi có muốn đi bầu cử sớm không, tôi cho biết muốn. Thế là sau khi đi bộ thể dục xong, hắn đưa nhà tôi và tôi đến một nơi gần Dowtown của thành phố Louisville, để chúng tôi bầu cử sớm. Tôi nhớ lần đó nhà tôi và tôi mỗi người đều phải điền tờ giấy, trong đó có ghi lý do vì sao đi bầu cử sớm.

Lúc bầu cử xong, trên đường về, Tom ghé ngang một nghĩa địa gần đó, đưa tôi đến một ngôi mộ, hắn cho tôi biết đó là mộ của vợ hắn và bên cạnh đó có một sinh phần với tấm mộ bia tên của Tom, hắn cho tôi biết rồi hắn sẽ được chôn cất tại đây. Sau khi đi Việt Nam về, tôi vẫn đi bộ tập thể dục nhưng không gặp lại Tom, cho đến một hôm tôi đến Kroger mua thức ăn, gặp lại Tom, chúng tôi chào hỏi nhau. Tôi có hỏi nhà Tom ở đâu, hắn cho biết ở gần đó. Rồi từ đó tới nay tôi chưa gặp lại Tom.

Trong số những người bạn Mỹ quen biết khi đi bộ thể dục có John, hắn không đi bộ thể dục, nhưng hàng tuần hắn vào trong Jefferson Mall đó để lau chùi mấy cái máy bán thức ăn, nước uống rồi hắn ngồi ở bàn ăn trò chuyện với những người Mỹ khác. John gặp tôi luôn bắt tay, chào hỏi thân thiện, có hôm nhà tôi không cùng đi với tôi, hắn hỏi thăm tôi: “Vợ anh đâu rồi ? Chị có khỏe không ?”

Thấy hắn đi xe có gắn bản Chiến Binh Việt Nam, tôi hỏi:

- John ! Khi tham chiến Việt Nam. Anh đóng quân ở đâu ?

- Tôi đồn trú ở phía Bắc Sàigòn !

Tôi đoán không phải là Tân Sơn Nhất. Có lẽ ở Long Bình.

Có cặp vợ chồng người Mỹ kia, bà vợ tên là Barbara. Lúc trò chuyện với nhà tôi, bà ta cho biết thích ăn món chả giò, hình như người Mỹ nào ăn được thức ăn Tàu hay Việt Nam đều thích ăn chả giò. Một hôm nhà tôi hẹn trước rồi chiên khoảng 15 cái chả giò đem cho bà ta.

Mấy hôm sau gặp lại khi đi bộ thể dục bà Barbara dúi vào tay nhà tôi cái Thẻ coffee Starbucks, từ chối cách mấy cũng không được, bà ta cho địa chỉ mời tới nhà chơi. Sau đó, chúng tôi tới nhà bà Barbara vài lần. Hai vợ chồng tiếp đón chúng tôi ân cần. Dần dần hai vợ chồng không còn đi bộ thể dục nữa, chúng tôi cũng không tiện đi ngang ghé thăm.

Việt Nam ta có câu “Xa mặt cách lòng”, lâu ngày không gặp, dần dần quên đi, từ hơn năm nay dịch bệnh, tôi cũng không có đi bộ thể dục ở Jefferson Mall, nên không biết John và những người bạn khác như thế nào ? Vì còn những người bạn khác người Đại Hàn, người Ấn độ gặp nhau chỉ Hello ! Hay vẫy tay chào. Hy vọng họ vẫn an lành để sau mùa dịch còn gặp lại tay bắt, mặt mừng, héllo và vẫy tay chào nhau như ngày nào chưa có dịch Coronavirus Vũ Hán vậy.

866411072021

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Cái Rọ Chức Sắc

 Con người ta sinh ra ở đời đa số đều bị 5 thứ sau đây chi phối, làm cho người ta không thể tinh tấn trong tu học. Năm thứ đó trong giáo lý nhà Phật gọi là: Tài, sắc, danh, thực, thùy.

Người tu là sửa chữa những thứ không tốt để được tốt đẹp hơn, chẳng hạn như tập không ham muốn có tài, có sắc đẹp, có danh phận, được ăn ngon, ngủ nghỉ nhiều.

Khi tu tập trong giới luật nhà Phật chia ra những người mới tập tu giữ 5 giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Những người nầy được gọi là Phật tử. Những người vào chùa tập tu giữ 10 giới gọi là Sa Di:

 

1. Không sát sinh. 2. Không trộm cướp. 3. Không phi phạm hạnh (không dâm). 4. Không vọng ngữ. 5. Không uống rượu. 6. Không đeo tràng hoa thơm, không dùng dầu thơm xoa thân. 7. Không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, không cố ý đến xem nghe. 8. Không ngồi nằm giường lớn cao rộng. 9. Không ăn phi thời. 10.Không cần giữ sanh tượng vàng bạc vật báu.

 

Rồi thọ Tỳ Kheo cũng gọi là Cụ túc giới tức là phải giữ 250 giới cho phái Nam và 348 giới cho phái Nữ.

 

Xưa kia những danh từ như Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng là những từ tôn xưng. Những ai thọ Cụ túc giới được Phật tử gọi là Đại đức, những vị thọ Cụ túc tu lâu năm, được tôn xưng là Thượng Tọa, còn những vị tu lâu năm giới đức trang nghiêm được giới tu hành cung thỉnh vào ngôi vị Tam sư để truyền giới, trong các giới đàn, thì có một vị được gọi là Đàn Đầu Hòa Thượng còn 2 vị kia là Yết ma A xà lê và Giáo Thọ A xà lê.

 

Từ những giới đàn truyền giới nầy, người ta kính trọng vị Đàn Đầu Hoà Thượng, từ đó người ta luôn tôn xưng là Hòa Thượng.

 

Ngày nay, theo tổ chức Phật Giáo hiện thời, vị nào thọ Cụ Túc Giới là Đại Đức, tu 20 năm, đủ 40 tuổi là Thượng Tọa, vị nào tu 40 năm, đủ 60 tuổi là Hòa Thượng lại phải được cơ quan nào đó duyệt công nhận mới hợp pháp. Cho nên ngày nay có nhiều rất nhiều Hòa Thượng, phải chăng đó là cái rọ danh lợi. Vì vậy có những vị chân tu chỉ ghi là Tỳ Kheo hay Tỷ khưu  mà thôi, người Phật tử vẫn kính trọng hơn danh xưng Hòa Thượng.




 

Có vị cố ý hoặc vô tình dùng chức danh khác, chẳng hạn như ở Pháp tại Làng Mai có Sư Ông Nhất Hạnh, còn có danh xưng là Thiền sư. Ở Mỹ tại chùa Pháp Quang Dallas, Texas có Sư Ông Trí Hiền, đức hạnh của những vị cao Tăng nầy luôn được mọi người tôn kính.


8664010621











Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Sinh nhật thứ 80 của tôi

 Hôm qua là ngày Sinh nhật của tôi, sáng sớm cậu con trai tặng quà sinh nhật cho tôi cái Iphone, tôi không biết nó là đời nào, nhìn phía sau cái hộp có ghi Iphơne XR, năm ngoái cậu ta cho tôi cái Samsung, năm trước nữa thì cho tôi cái Computer Dell 24. Bởi vì con tôi biết tôi thích Computer dòng Dell, tôi có cái Dell 10, 15, 17 nên tặng tôi cái Dell 24.

Samsung  Apple

Ngoài những bạn bè, cựu học sinh được Facebook thông báo đã gửi lời chúc mừng sinh nhật đến tôi. Thật là ấm lòng, lại còn có từ Ngân Hàng gửi tới chúc mừng sinh nhật. Vài chục năm trước, khi tôi đi làm  hãng Fabricated Metal, hãng nầy chuyên làm những sản phẩm cung cấp cho hỏa xa, hỏa xa có tổ chức thành hiệp hội hay liên đoàn, họ có Ngân hàng riêng, khuyến khích nhân viên mở tài khoảng chỉ có 5 dollars mà thôi, cuối tuần Công ty trả lương chỉ là tờ giấy báo, khỏi phải đem chi phiếu ra Ngân hàng lãnh tiền.

Có em Lê Tâm cựu học sinh từ Texas gọi điện thoại tới chúc mừng sinh nhật và trò chuyện với tôi về bài viết của tôi được đài phát thanh ở Dallas phát, em ấy tưởng là tôi có cộng tác với đài, tôi phải nói rõ bài viết của tôi ai muốn sử dụng thì cứ sử dụng, cho nên họ lấy làm tài liệu chớ tôi ở xa cách Dallas và hình như tô không có duyên với Dallas, năm 2000 tôi đã mua vé khứ hồi cho 2 vợ chồng đi Dallas dự họp mặt với bạn bè, nhưng giờ chót chúng tôi không đi. Còn phi trường Dallas Fort Worth thỉnh thoảng đi Việt Nam hay Cali, chúng tôi phải chuyển cảnh tại phi trường nầy, nó là phi trường quốc tế, có 4 phi đạo dài song song với nhau, cho nên không ngại chuyện ùn tắc ở phi trường. Nhưng năm 2019, tôi đã bị hủy chuyến bay và phải ngủ qua đêm tại phi trường, do phi cơ đã ra phi đạo rồi, nhưng trời mưa tầm tả lại có thông báo có bão, nên chuyến bay bị hủy.



Phi trường Dalas Fort Worth (DFW) ở Texas

Đặc biệt có ông bạn già Nghi Yên sinh hoạt trong GĐPT, chị Vũ Ngọc Lan vợ của anh bạn HO đã mất, cũng gửi lời chúc sinh nhật cho tôi:

Cô Thanh Mai, bạn làm chung Công Ty Trang Bị Kỹ Thuật, lần nào về Việt Nam, hai vợ chồng cũng mời chúng tôi đi ăn 2, 3 lần, mỗi lần đều giới thiệu một quán Chay mới, đã gửi qua Zalo:

Tại gia đình nhà tôi nấu cho tôi một nồi Phở chay, một Chỏ xôi có đủ muối mè đậu phộng và dừa nạo. Con gái lớn  Việt Nam gọi FaceTime qua chúc mừng, yêu cầu giũ gìn sức khỏe để về thăm con, cháu. Nói với nước mắt không cầm được vì “Nhớ cha, mẹ quá !”

Nhà tôi với con gái mỗi người một thiệp chúc mừng có kèm tấm hình ông Franklin, con dâu cùng gọi điện chúc mừng và 2 đứa cháu nội ngủ dậy trễ, nên chiều mới gọi điện chúc mừng Sinh nhật.

Còn con gái thứ ba vì đi làm, nên hôm nay hẹn sẽ về đưa chúng tôi đi ăn, mừng sinh nhật, sẽ có 2 đứa cháu ngoại đi theo để mừng thọ ông ngoại.

Hôm nay là ngày sinh nhật cháu nội gái, ngày mai sinh nhật con dâu. Tháng nầy đúng là Tháng Sinh Nhật của gia đình tôi. Đầu tháng sinh nhật con gái thứ ba, hôm sau con gái út. Hôm qua tôi, hôm nay cháu nội và ngày mai mẹ nó.

 8664160521